Tư vấn Giáo Dục

Nâng Tầm Người Việt

Khi teen nổi loạn

Posted by dangcapphainu trên Tháng Năm 23, 2011

Nếu cha mẹ không khéo léo trong ứng xử thì những trường hợp các cô cậu bé tuổi teen bỏ nhà đi ngày càng nhiều.

Đang giữa trưa, Mạnh, cậu học trò năm cuối trường THPT Ngọc Hồi, Hà Nội, gọi điện thoại đến nhờ bà chị họ xa tên Hương, là sinh viên ở trọ gần đó với lời nhờ cậy khẩn thiết. “Chị cho bạn gái em ở nhà chị một lúc, bây giờ em đi có việc nên không cho đi cùng được”.

Hương đồng ý, đến khi hỏi chuyện mới giật mình biết cô bạn gái được Mạnh đèo đi khỏi nhà từ tối qua.

Hôm trước, cô bé này mang cơm cho mẹ (bán hàng ngoài chợ) hơi muộn, thế là bị mẹ mắng xơi xơi giữa chỗ đông người, bà còn “tiện thể” lôi đủ mọi chuyện riêng tư của con ra nói cho hả giận. Cô con gái khóc, rồi cãi lại liền ăn một cái bạt tai. Thế là cô bé lẳng lặng đạp xe về, gọi điện cho người yêu đến đèo đi học và đi luôn cả đêm qua không về nhà, chỉ nhắn cho chị gái là qua nhà bạn ngủ, mặc cho bố mẹ và chị gái lo lắng gọi điện.

Không ít các bạn trẻ tuổi teen có những phản ứng gay gắt, thậm chí bỏ nhà ra đi sau khi bị bố mẹ ngăn cấm, mắng mỏ. Nếu gặp được những chàng trai nổi nghĩa hiệp thì việc vác đồ ra khỏi nhà và leo lên xe máy rất đơn giản.

Linh – sinh viên năm 4, Đại học Ngân Hàng kể lại, cô có quen một cậu em tên Tuấn Anh, học sinh trường PTDL Đống Đa tại một quán cà phê và kết nghĩa chị em khá thân. Có lần 11 giờ đêm, cậu em gõ cửa xin gửi nhờ bạn gái (mới chỉ học lớp 8).

“Vì đã quá muộn rồi chả nhẽ lại từ chối, thế là mình đồng ý cho cô bé ở lại. Cả đêm mẹ cô bé gọi điện để hỏi con đang ở đâu mẹ đến đón, nhưng cô bé nhất định không nói”, Linh kể lại.

Em vạch cho Linh xem những vết đòn thâm tím trên người và bảo sợ không dám về nhà, “em mà về bây giờ thì bố em đánh chết em mất”. Hóa ra, nguyên nhân là bố mẹ cấm con gái đi chơi tối vì con còn nhỏ. Hôm vừa rồi vì là sinh nhật người yêu (Tuấn Anh) nên cô bé xin đi đến 9h, nhưng ông bố bảo “không đi đâu hết, đi rồi lại quen thói đàn đúm đua đòi”. Cô bé uất ức cãi lại, Tuấn Anh đến xin cũng bị bố em chửi thêm. Thế là nhân lúc bố mẹ ra ngoài, đôi trẻ kéo nhau đi luôn.

Vụ việc chỉ kết thúc khi bố mẹ cô bé nọ đến tận nhà Tuấn Anh chửi bới và đòi báo cáo công an. Bố cậu lúc đó mới biết chuyện và gọi điện bắt con trai đưa cô bé về nhà ngay.

Phần lớn cô gái trẻ bỏ nhà đi vì quá chán nản và mệt mỏi với sự bao bọc thái quá, sự cấm đoán vô lý của cha mẹ, hay những lời nói đụng chạm đến lòng tự trọng của các em.

Hải (gấu), học sinh THPT Nguyễn Gia Thiều, từng nổi máu anh hùng sau khi chứng kiến cảnh bạn gái bị bố mẹ chửi mắng vì xin đi học nhảy Hip hop. Vốn là thành viên của một nhóm nhảy khá nổi tiếng, cậu cảm thấy bức xúc và bị động đến lòng tự trọng khi bố của cô bé nhạo báng môn nhảy này. Sau câu tuyên bố “Bác không hiểu gì về hip hop thì tốt nhất đừng có nói gì!”, cậu hăm hở lôi bạn gái ra khỏi nhà, đi qua đêm, và chỉ chịu trả về khi cha mẹ cô bé lên tận nhà trường thông báo.

Tình cảnh tương tự xảy ra với Trang, học sinh lớp 11, trường Phan Đình Phùng. Cô bé xin đi học bơi, nhưng bị bố chửi té tát (dù có mặt cậu người yêu ở đó): “Cho mày ăn học để về mày chửi lại tao, mặc quần áo tắm thì hay ho gì!”. Thương người yêu, cậu chàng này tức tốc dẫn Trang đi đến ở nhờ nhà một bà chị quen biết. Rút cục, khi về nhà, cô bé bị bố đánh chảy máu ở môi, và chửi rủa vì tội dám bỏ nhà đi, và là đứa con “đua đòi, hư hỏng”. Chỉ 2 hôm sau, Trang lại bỏ nhà đi tiếp.

Hùng (sinh năm 1993, học trường PTTH Cao Bá Quát) từng cứu “người đẹp” sau khi “nàng” bị đánh mắng vì đòi cắt tóc, đã kể lại hành động của mình với bạn bè đầy tự hào: “Tao đưa đi một đêm, hôm sau bố mẹ nó khác hẳn, sợ luôn”. Và câu châm ngôn được cậu đưa ra là: “Không có quyền làm gì bố mẹ nhưng có thể đi…”.

Theo Hùng thì địa điểm ăn ngủ của bạn gái cũng phải được lựa chọn, tuyệt đối không dây dưa đến anh em họ hàng vì sợ bố mẹ biết, và cũng rất hạn chế nhờ những ông anh bởi độ an toàn không cao. Nên nhờ cậy các bà chị thân thiết, đặc biệt phải có nhà trọ riêng, là nơi lý tưởng và an toàn nhất.

“Việc đưa bạn gái bỏ nhà hay tự ý bỏ nhà đi của lứa tuổi vị thành niên chính là sự chống đối của con với cha mẹ để tự khẳng định mình”, bà Đoàn Thị Hương, chuyên viên Tham vấn Tâm lý của SHARE nhận định.

Bà lý giải, thông thường luôn có sự khác biệt rõ nét trong cách nhìn nhận và quan điểm của hai thế hệ cha mẹ và con cái. Mặc dù cha mẹ luôn yêu thương, mong cho con những điều tốt đẹp nhất, song họ cũng luôn có xu hướng bao bọc, che chở và lo lắng cho con quá mức. Điều đó, cộng thêm tâm lý con ngoan phải biết nghe lời, dẫn tới hành vi kiểm soát ở cha mẹ và cảm giác gò bó, mất tự do, cảm giác không được hiểu, được tôn trọng ở trẻ.

“Từ cảm giác không được hiểu, tin tưởng, bị kiểm soát, cộng thêm đặc điểm tâm lý thường có ở tuổi vị thành niên như xu hướng chịu tác động lớn từ nhóm bạn bè và tâm lý muốn khẳng định mình…, nên nếu cha mẹ không khéo léo trong ứng xử thì những trường hợp bỏ nhà đi như các cô bé ở trên sẽ ngày càng nhiều, nhất là khi nhận được sự đồng tình của người yêu, bạn bè. Hậu quả của những lần bỏ nhà đi đó có khi không may mắn và đơn giản như những trường hợp trên”, bà Hương chia sẻ.

(Theo: vnexpress.net)

Posted in Uncategorized | Leave a Comment »

Cảm phục những học sinh mồ côi, học giỏi

Posted by dangcapphainu trên Tháng Năm 22, 2011

Tại buổi lễ Hội Khuyến học TP Cần Thơ phát học bổng cho 125 học sinh khối THPT ngày 19/5 vừa rồi, khi xem đoạn phóng sự ngắn về hoàn cảnh của các em, nhiều đại biểu sụt sùi nước mắt.

Chúng tôi và nhiều người có mặt tại buổi lễ đều cảm phục trước ý chí vượt khó, học giỏi và tấm lòng hiếu thảo của các em với những người cưu mang “tạm”.

Cô Nguyễn Thị Hoa – một nhà hảo tâm thường xuyên ủng hộ quỹ khuyến học TP Cần Thơ bày tỏ: “Hoàn cảnh của các cháu thấy thương quá, không như những đứa nhỏ con nhà giàu. Chúng nó đủ đầy vật chất, cha mẹ hết mực yêu thương chăm sóc nhưng tụi nó chẳng quan tâm gì đến chuyện học hành!”.

Cô nói xong lặng lẽ nhìn em Đỗ Thanh Phương – học sinh (HS) lớp 12 B2 Trường THPT Phan Ngọc Hiển. Mồ côi cha mẹ từ nhỏ nhưng trong suốt 12 năm học Phương luôn là HS giỏi.

Suốt 12 năm học, em Đỗ Thanh Phương – học sinh lớp 12 B2 Trường THPT Phan Ngọc Hiển đều là học sinh giỏi.

Tìm hiểu về hoàn cảnh của em Phương, chúng tôi càng nể phục hơn khi biết sau mổi buổi học, Phương đi nhặt banh tennis lấy tiền nuôi ông bà ngoại đã hơn 80 tuổi, thường xuyên bệnh tật. Công việc này một mình Phương gánh vác hơn 6 năm nay.

Phương bộc bạch: “Mỗi buổi nhặt banh như vậy chỉ được 15, 20 ngàn đồng, nhưng sau này các chú biết hoàn cảnh của cháu khó khăn nên mới cho thêm 10 ngàn đồng nữa. Nhờ vậy em mới đủ tiền mua gạo nuôi ông bà ngoại tới giờ. Còn riêng việc học hành của em, như sách vở, quần áo… thì nhờ thầy cô, bạn bè giúp đỡ, chứ nếu không thì em cũng không thể nào đến lớp được, nói chi đến chuyện học giỏi!”.

Nhờ vượt khó học giỏi, năm vừa rồi, Phương được Hội khuyến học TP Cần Thơ giới thiệu cho được nhận học bổng Trần Đại Nghĩa (10 triệu đồng), nhờ số tiền này mà Phương an tâm hơn mỗi khi ông bà ngoại đổ bệnh.

Gần giống với hoàn cảnh Thanh Phương, em Trần Thị Quỳnh Trang – HS lớp 10 A9 Trường THPT Trần Đại Nghĩa từ khi mới lọt lòng Trang đã không biết mặt cha, mẹ Trang nuôi em được 7 ngày rồi bế em về đưa cho bà ngoại nuôi tới nay.

Thương ngoại tảo tần buôn gánh bán bưng kiếm tiền cho em ăn học nên Trang chẳng dám xao lãng việc học hành. Cũng nhờ vậy trong suốt 10 năm học, Trang luôn chiếm giữ vị trí nhất lớp.

“Nhiều lần em xin đi bán bánh với ngoại nhưng ngoại nhất quyết không cho nên hàng ngày em chỉ giúp ngoại bằng cách thức sớm từ 3 giờ sáng xay bột, chụm lửa rồi rửa chén bát… Khi ngoại bưng xề bánh đi bán thì lúc đó em mới ngồi vào bàn học!”.

Trong suốt 10 năm học, Trần Thị Quỳnh Trang – học sinh lớp 10 A9 Trường THPT Trần Đại Nghĩa luôn chiếm giữ vị trí nhất lớp.

Trong buổi nhận học bổng của Hội Khuyến học Cần Thơ, Trang được suất học bổng 1 đồng nhưng trong ánh mắt của Trang vẫn không được vui. Chúng tôi tìm hiểu thì được biết em đang lo lắng vì nay mai em có thể nghỉ học bất cứ lúc nào khi nguồn tru cấp từ người dì cạn kiệt mà ngoại thì đã già không thể đi bán được nữa.

Khác với Trang và Phương là cô học trò “đặc biệt” Phạm Ngọc Trân – HS lớp 10B 14 trường THPT Phan Ngọc Hiển. Cha mẹ Trân hiện ở Phú Quốc (Kiên Giang) nhưng do gia đình quá nghèo nên khi Trân vừa đến tuổi đi học, cha mẹ gửi em vào chùa Quan Âm (Ninh Kiều, Cần Thơ) để nhờ các sự nuôi dạy rồi 2 – 3 năm mới đến thăm Trân 1 lần.

“Nhờ các sư phụ em mới có cơm ăn, áo mặc và được học hành tử tế như thế này và em cảm thấy mình có duyên với cửa Phật nên em xuống tóc đi tu luôn. Lúc đầu đến lớp các bạn nam hay trọc “con gái mà đầu trọc lóc”, em cũng thấy buồn buồn nhưng sau này thì quen rồi nên màu áo và kiểu tóc không còn trở ngại đối với em nữa!”.

Em Phạm Ngọc Trân – học sinh lớp 10B 14 Trường THPT Phan Ngọc Hiển luôn luôn là thủ lĩnh của lớp.

Cô Lê Ngọc Lan – chủ tịch chi hội chữ thập đỏ Trường Phan Ngọc Hiển cho biết: “Trân học rất giỏi, năm vừa rồi là đứng hạng ba của khối lớp 9. Năm nay thì Trang đứng nhất lớp rồi, còn xếp hạng toàn trường thị chưa tổng kết, nhưng với số điểm của Trân thì rất có thể em chiếm vị trí số 2 toàn trường!”.

Chia tay các em khi buổi lễ trao học bổng kết thúc, nhìn theo các em, chúng tôi vừa mừng, vừa lo. Lo vì con đường học hành của các em ở phía trước con lắm gian truân. Và chúng tôi thấy vui vì mỗi ngày có thêm nhiều đơn vị, doanh nghiệp, cá nhân quan tâm đến công tác khuyến học, khuyến tài, sẵn sàng giúp đỡ những em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn như Phương, Trang và Trân có điều kiện vươn lên học tốt.

Theo dantri

Tễn

Posted in Uncategorized | Leave a Comment »

Thưởng 30 triệu đồng cho 2 HS đoạt HCĐ Olympic Vật lý châu Á

Posted by dangcapphainu trên Tháng Năm 22, 2011

Thưởng 30 triệu đồng cho 2 HS đoạt HCĐ Olympic Vật lý châu Á
(Dân trí) – Sáng nay 21/5, tại Trường THPT Chuyên Phan Bội Châu, TP Vinh, Nghệ An diễn ra lễ trao thưởng cho 2 học sinh đoạt Huy chương đồng Olympic Vật lý châu Á, học sinh giỏi quốc gia và tiễn học sinh dự thi Olympic Vật lý quốc tế 2011.
 
Ông Nguyễn Xuân Đường (ngoài cùng bên trái) – phó chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An và ông Lê Văn Ngọ (ngoài cùng bên phải) – giám đốc Sở GD-ĐT Nghệ An trao thưởng cho 2 em đạt Huy chương đồng Vật lý Châu Á.
Theo đó, tại buổi lễ, UBND tỉnh Nghệ An tặng Bằng khen kèm theo tiền thưởng 15 triệu đồng/em cho 2 học sinh (HS) Nguyễn Trung Hưng và Nguyễn Huy Hoàng – lớp 12A3 chuyên Lý Trường THPT chuyên Phan Bội Châu vì đã đạt Huy chương đồng trong kỳ thi Olympic Vật lý châu Á năm 2011 vừa diễn ra tại Israel. Đây là 2 HS đoạt thành tích cao nhất của đội tuyển Việt Nam tham dự kỳ thi Olympic Vật lý châu Á lần này.

Dịp này, UBND tỉnh cũng trao tặng bằng khen cùng với số tiền 15 triệu đồng cho thầy giáo Trần Văn Nga – người giảng dạy, bồi dưỡng 2 em HS đạt giải tại kỳ thi Olympic Vật lý châu Á .

Ông Nguyễn Xuân Đường (bên trái) – phó chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An tặng Bằng khen cho thầy Trần Văn Nga – GV Trường THPT Chuyên Phan Bội Châu có thành bồi dưỡng 2 học sinh đạt giải kỳ thi Vật lý châuÁ.

Cũng tại buổi lễ, tỉnh Nghệ An tuyên dương và tặng bằng khen cho 59 HS giỏi quốc gia năm học 2010 – 2011 (gồm 2 em thủ khoa thuộc các môn Vật lý, Hóa học; 3 em đạt giải nhất gồm: Nguyễn Trung Hưng lớp 12A3 – chuyên Lý, Nguyễn Huy Hoàng lớp 12A3 – chuyên Lý và Nguyễn Văn Lộc lớp 12A4 – chuyên Hóa, THPT Chuyên Phan Bội Châu; 15 em đạt giải nhì, 27 giải ba và 14 giải khuyến khích) cùng với tổng số tiền thưởng 62.500.000 đồng (trong đó giải nhất với mức 2 triệu đồng/em, giải nhì với mức 1,5 triệu đồng/em, giải ba với mức 1 triệu đồng/em, giải khuyến khích với mức 500 ngàn đồng/em).

Đồng thời UBND tỉnh cũng đã tặng Bằng khen kèm theo tiền thưởng 62.500.000 đồng cho 22 giáo viên đã tham gia giảng dạy, bồi dưỡng HS đạt giải quốc gia năm học 2010-2011; tặng Bằng khen cho 2 giáo viên đã có thành tích xuất sắc trong công tác quản lý, chỉ đạo thực hiện kỳ thi HS giỏi quốc gia năm học 2010-2011 cùng với tổng số tiền 1.460.000 đồng.

Tại buổi lễ, lãnh đạo UBND tỉnh Nghệ An đã tặng hoa và quà để tiễn và động viên 2 HS Nguyễn Huy Hoàng và Nguyễn Đình Hội – lớp 12A3 – chuyên Lý, THPT Chuyên Phan Bội Châu đạt kết qủa xuất sắc trong kỳ thi vòng II, trở thành 2 trong 5 thành viên chính thức của đội tuyển Vật lý Việt Nam đi dự thi Olympic Vật lý quốc tế tổ chức tại Vương quốc Thái Lan vào tháng 7/2011.

Phát biểu tại buổi lễ, ông Nguyễn Xuân Đường đã chúc mừng tất cả các em HS đã đạt giải khu vực và quốc gia năm 2010-2011, ghi nhận sự nỗ lực của các em và các thầy giáo, cô giáo, các bậc phụ huynh đã góp phần làm nên thành tích này. Ông Nguyễn Xuân Đường cũng chúc 2 HS dự thi HS giỏi quốc tế giành được kết quả cao, mang lại vinh quang cho gia đình, nhà trường, ngành giáo dục đào tạo và cho địa phương.
Trao thưởng học giỏi quốc gia năm 2011.

Nhân dịp này, Hội khuyến học tỉnh, Liên đoàn Lao động tỉnh, Tỉnh đoàn, Hội phụ nữ tỉnh Nghệ An, Công ty Cổ phần Sách – Thiết bị trường học và Công ty Bảo Việt Nghệ An đã tặng thưởng cho những HS đạt thành tích cao trong kỳ thi HS giỏi quốc gia, quốc tế, khu vực năm học 2010-2011.

Theo DanTri

Posted in Uncategorized | Leave a Comment »

Vì sao học sinh Việt Nam “ngại” nói tiếng Anh?

Posted by dangcapphainu trên Tháng Năm 21, 2011

Học tiếng Anh sau 6 – 7 năm trong trường phổ thông vẫn không thể nói được một câu tiếng Anh đúng, không đủ tự tin để giao tiếp bằng tiếng Anh, dường như là vấn đề khá phổ biến ở học sinh nước ta.

“Em sợ nói sai”

Bạn Nguyễn Huy Đức, một cựu học sinh trường THPT Nguyễn Trãi (Hà Nội) thẳng thắn thừa nhận: “Mặc dù được học tiếng Anh trong trường từ lớp 6 – 12, tức là 7 năm đấy, nhưng em không thể nào mở miệng nói được một câu. Em cũng đi học ở các trung tâm, học mỗi cái bằng A thôi mà năm lần bảy lượt không thi được. Bây giờ vào đại học, em lại tiếp tục chật vật vì môn học này”.

Tình trạng như của bạn Đức không phải là hiếm. Rất nhiều bạn học ngoại ngữ trong trường chỉ đủ để đối phó với các bài kiểm tra, các bài thi, nhưng khi cần giao tiếp thực tế thì không thể nói được một câu tiếng Anh nào. Cũng có những bạn nắm rất chắc ngữ pháp, thậm chí thường đạt điểm cao ở môn tiếng Anh, nhưng chỉ là ở các bài kiểm tra trên giấy, còn khi giao tiếp thực tế lại vẫn ngại ngùng và phản xạ nghe – nói rất kém.

Học tiếng Anh từ cấp tiểu học giúp các em tự tin hơn.

Bạn Trần Thúy Loan, học sinh lớp 8, trường THCS Liên Hòa (Hòa Bình) chia sẻ: “Em thích học tiếng Anh và kết quả học ở trường cũng khá tốt. Thế nhưng hè năm ngoái về Hà Nội chơi ở nhà bác, đi cùng các anh chị em đến một câu lạc bộ tiếng Anh thì em mới phát hiện ra là em rất sợ phải nói tiếng Anh ở chỗ đông người. Vì em sợ bị nói sai…”.

Trên một diễn đàn dạy và học tiếng Anh, các thành viên cũng cho rằng: “Có lẽ do bản tính người Việt dễ xấu hổ, nên sợ nếu nói sai thì bị mọi người cười chê, và tốt nhất là giấu dốt”.

Học tiếng Anh như “leo cột mỡ”

Cô giáo Nguyễn Phương Nam, khoa tiếng Anh, trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ  cho rằng, việc học tiếng Anh ở Việt Nam theo phương pháp truyền thống mà học sinh thường rất thụ  động và không có môi trường giao tiếp là  một nguyên nhân dẫn đến tình trạng học sinh học không hiệu quả, dần dần gây tâm lý chán, ngại học tiếng Anh.

Thực ra trong chương trình học theo sách giáo khoa cũng có băng đĩa để luyện nghe – nói, tuy nhiên có thể do thời lượng bố trí các tiết học, do điều kiện vật chất của các trường, hoặc cũng có thể do thói quen của giáo viên mà việc sử dụng băng đĩa gần như là không được áp dụng trong các trường học, kể cả ở thành thị, chứ không nói gì đến nông thôn. Học sinh chủ yếu chỉ được nghe cô hướng dẫn đọc, nhưng ngay cả cô giáo thì không phải lúc nào cũng đúng.

“Bằng chứng là ở khoa tôi rất nhiều sinh viên quen phát âm sai một số từ cơ bản từ khi còn học phổ thông. Vì thế, các bạn mặc nhiên nghĩ là đúng và đã nói thành quen nên rất khó sửa”.

Theo cô Nguyễn Phương Nam, học sinh phổ thông và sinh viên các trường không chuyên về ngoại ngữ thường không được chú trọng học đủ bốn kỹ năng cho phát triển ngôn ngữ – đó là nghe – nói – đọc – viết, mà đa phần chương trình chỉ tập trung vào ngữ pháp. Học ngữ pháp, thi ngữ pháp.

Cách học này làm cho học sinh hoàn toàn thụ động  nên không thể có được phản ứng giao tiếp nhanh nhạy, dù bạn có học giỏi tiếng Anh ở trường. Những mẫu câu ngữ pháp này đáng lẽ ra cần phải gắn với giao tiếp thực tế, nếu không những gì học được sẽ trôi đi và việc học sẽ chỉ như “leo cột mỡ”.

Theo Lê Na
Khoa học & Đời sống online

Posted in Uncategorized | Leave a Comment »

Mùa lá rơi

Posted by dangcapphainu trên Tháng Năm 20, 2011

mong sao đây sẽ là mùa lá cuối cùng

Mẹ bảo tôi: “Mày hãy bước ra khỏi cánh cửa này rồi đi đâu cũng được, mày không phải con tao”. Tôi bước ra khỏi căn nhà yêu dấu vào một chiều thu. Trên con đường rời xa phố núi, những cành bàng chỏng chơ trút chiếc lá cuối cùng.

Mùa đông đang gõ cửa đằng xa. Tôi đưa tay lần lên sinh linh nhỏ bé trong bụng. Tôi muốn mình chết đi nhưng quyết định rằng con tôi phải sống.

Mẹ bảo tôi: “Mày hãy biến mất khỏi cuộc đời này”

Tôi bảo con tôi: “Mày phải sống”.

Rồi sẽ đến một lúc nào đó, núm ruột của tôi lớn lên. Nó sẽ hỏi tôi về cha nó.

– “Cha con là ai?”.

– “Mẹ không biết. Mẹ muốn quên”

– “Nhưng mẹ vĩnh viễn không thể quên”.

Hay tôi sẽ nói với con tôi: “Cha con là người đàn ông đã đến bên mẹ vào một ngày chớm thu, đã dắt tay mẹ lên thiên đường với những phút giây mê muội. Nhưng rồi cũng chính ông ấy đã đánh rớt mẹ xuống vực thẳm khôn cùng của nỗi đau”.

Nếu con tôi muốn tìm cha nó, tôi sẽ bảo: “Cha con chết rồi”. Và, trái tim tôi cũng đã chết rồi. Mùa thu thứ mười tám, lá bàng lại rơi.

Mười tám năm, tôi chưa một lần quay trở lại ngôi nhà mà tôi đã từng bị hắt hủi trong cơn đau. Nhiều lúc tôi tự hỏi, sau lần đó mẹ có đi tìm tôi trong nỗi ân hận vô bờ hay không? Mẹ có còn ngóng trông tôi quay lại hay không? Con tôi mười tám tuổi. Người đàn ông biến mất mười tám năm.

Một chiều thu, tôi đang chăm chút lẵng phong lan bên hiên nhà, đứa con gái Lệ Điệp của tôi trở về với vẻ mặt ủ ê lo lắng. Tôi tưởng nó học hành căng thẳng. Tôi không muốn nghĩ khác đi. Tôi sợ.

Tôi chết lặng trước tờ giấy xét nghiệm mà nó đưa cho tôi. Mặt nó tái xanh. Người tôi chết lặng. Cái thai tròn ba tháng tuổi. Tôi nuốt tủi hờn hỏi nó: “Cha đứa bé đâu rồi?”. Nó lắc đầu: “Con không biết, từ khi nghi con mang thai anh ấy biến đâu mất, cả số điện thoại cũng thay luôn”.

Tôi dắt con tôi vượt hàng ngàn cây số trở lại nhà xưa. Mái ngói phủ đầy rêu. Mùa thu những cành bàng chỏng chơ chút lá. Mộ mẹ tôi nằm cạnh những ngôi mộ góa trong khu nghĩa địa buồn phía lưng chừng đồi. Ngôi nhà bị bỏ hoang giữa phố núi. Tôi quỳ xuống trước mẹ, thấy mình khóc như một đứa trẻ mắc lỗi. Mộ mẹ chơ vơ mọc đầy cỏ dại.

Con tôi bảo: “Con sẽ chết. Con sẽ giết chết đứa con của kẻ bạc tình”. Tôi bảo nó: “Mày hãy chết nhưng phải để đứa trẻ được sống”. Con tôi khóc.

Tôi ngồi bên hiên ngôi nhà hoang lạnh, chính chỗ này mười tám năm trước mẹ tôi đã đứng. Còn phía cổng sắt ngoài kia mười tám năm về trước tôi đã ra đi.

Con tôi bảo: “Chiếc lá cuối cùng đã rơi rồi”.

Tôi mỉm cười đưa ánh mắt nhìn về phía những cây bàng chỏng chơ trước cái khắc nghiệt của cơn gió táp. Cái lạnh vô tình buốt thấu tim tôi. Kí ức xưa cũ, người đàn ông với màn đêm hoan lạc. Thảng thốt. Tôi muốn gọi tên hắn, không thốt lên lời, nơi cổ họng tôi ứ nghẹn.

Tôi bước đi trên con đường phủ đầy lá rơi, gió xào xạc dưới chân. Những mầm non đang lú nhú đâm ra từ nơi mà những chiếc lá cuối mùa đã rụng. Tôi muốn nói với con tôi một điều gì đó, nhưng chợt chững lại. Đôi mắt tôi cứ dừng lại trước cái bụng hoài nghi của nó.

– “Mày hãy sinh cho mẹ một thằng cháu trai thật kháu khỉnh vào”.

Con tôi gật đầu, nó cũng muốn nói thêm gì nữa nhưng e ngại nên thôi.

Tôi nhìn những chồi non đang nhú, lòng không ngừng cầu nguyện, mong sao đây sẽ là mùa lá cuối cùng.
(Theo: dantri.com)

Posted in Uncategorized | Leave a Comment »